Bối cảnh Why Marx Was Right

Terry Eagleton vào năm 2013

Terry Eagleton là một học giả trong lĩnh vực lý luận văn học, chủ nghĩa MarxCông giáo.[1] Ông theo cánh tả khi đang là sinh viên tại Đại học Cambridge vào những năm 1960, nhận thấy mình đang ở giao điểm giữa Cánh tả Mới và chủ nghĩa tiến bộ Công giáo trong các cuộc cải cách của Công đồng Vaticanô II.[2] Eagleton tham gia một nhánh của International Socialist ở Anh và sau đó là Liên đoàn Xã hội Chủ nghĩa Công nhân (Workers' Socialist League). Cuốn sách Criticism and Ideology (1976) của ông giới thiệu một cách tiếp cận theo hướng chủ nghĩa Marx đối với lý luận văn học.[3] Ông trở nên nổi tiếng với cuốn sách Literary Theory: An Introduction (1983), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Alan Jacobs của First Things nói rằng phong cách viết "dí dỏm và thậm chí tao nhã" của ông là một điều bất thường trong lý luận văn học vào thời điểm đó.[1] Sau khi làm giáo sư Văn học Anh tại Đại học Oxford (1992–2001) và Lý thuyết Văn hóa tại Đại học Manchester (2001–2008), Eagleton còn làm giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học trên khắp thế giới.[4]

Trong cuốn sách, Eagleton sử dụng một số thuật ngữ của triết học Marx, nảy sinh từ những ý tưởng của nhà triết học người Đức Karl Marx. Khi mô tả việc sử dụng lao động của một xã hội, ông sử dụng cụm từ tư liệu sản xuất để mô tả các nguyên liệu thô và công cụ cần thiết để sản xuất hàng hóa và dịch vụ;[5] lực lượng sản xuất để gọi chung tư liệu sản xuất, tri thức của con người và phân công lao động trong xã hội.[6] Một xã hội cũng có các quan hệ sản xuất: các vai trò như lao động làm công ăn lương, trong đó một người bán sức lao động cho ông chủ để đổi lấy tiền.[7] Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất - gọi chung là phương thức sản xuất - được Marx coi là mô tả cấu trúc cơ bản của một xã hội; ví dụ phương thức sản xuất bao gồm chế độ tư bảnchế độ phong kiến.[8]

Theo lý thuyết giai cấp của Marx, một người thuộc về một giai cấp xã hội cụ thể (ví dụ như giai cấp công nhân) dựa trên vai trò của họ trong phương thức sản xuất.[9] Trong chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn, giai cấp tư sản là một giai cấp sở hữu tài sản, những người kiểm soát tư liệu sản xuất.[10] Marx đã xác định mô hình một giai cấp xã hội phát triển lực lượng sản xuất cho đến khi các quan hệ sản xuất là rào cản cho sự tiến bộ hơn nữa.[11] Đấu tranh giai cấp - một căng thẳng cơ bản được đề xuất giữa các giai cấp khác nhau - là trọng tâm trong cách hiểu của những người Marxist về cách thức thiết lập một phương thức sản xuất mới.[12] Vì xem sự phát triển xã hội bắt nguồn từ những điều kiện vật chất hơn là những ý tưởng trừu tượng, Marx là một nhà duy vật lịch sử, hơn là một nhà duy tâm.[13] Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là một mô hình duy vật để mô tả xã hội, trong đó phương thức sản xuất ("cơ sở hạ tầng") được xem là hình thành các khía cạnh khác của cộng đồng: nghệ thuật, văn hóa, khoa học,... ("kiến trúc thượng tầng").[14]